GS. Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại Quốc tế;Ông được Tổng thống Pháp trao tặng Huy Chương Hiệp Sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) năm 2007.
Bài viết này ghi nhận lại những tư tưởng học hỏi được từ Thầy Phan Văn Trường được chia sẻ trên Vietcetera: https://www.youtube.com/watch?v=BlWzvFgb9Ew
1. Làm gì thì làm, chất lượng phải xếp hàng đầu
Bất kể là đang làm gì, chúng ta hãy chú trọng vào chất lượng , phát triển ra cái tốt nhất từ chính năng lực nội tại của mình. Khi ấy, việc “benchmark” so sánh với tiêu chuẩn bên ngoài là vô nghĩa và thế giới này sẽ thu hái được vẻ đẹp từ sự khác biệt, xuất sắc của từng cá nhân.
2. Chất lượng tốt nhất thế giới
Hãy nỗ lực để trở nên tốt nhất thế giới. Đó có thể là pizza ngon nhất thế giới, ly cà phê ngon nhất thế giới, quả cam ngon nhất thế giới, hay người đánh giầy tốt nhất thế giới…. Mọi thứ đều đã có quá nhiều và lúc nào cũng sẵn sàng , chỉ có thứ tốt nhất là duy nhất luôn là thách thức, động lực cho sự phát triển và tiến bộ. Lúc này, mọi việc ta làm đều trở thành nghệ thuật với trí sáng tạo và sự say mê không ngừng nghỉ.
3. Đơn giản để tập trung
Mọi thành tựu lớn lao đều có thể bắt đầu từ những việc làm đơn giản, nhưng với 100% tập trung, tâm huyết, nỗ lực và yêu thương. Những mô hình lý thuyết về quản trị khô khan, phức tạp có thể được diễn giải bằng ngôn ngữ của con người và tình yêu thương. Những cải cách to lớn, đột phá của một ngành có thể chỉ bắt đầu bằng sự kiên định, bền bỉ lan toả với một tư tưởng đúng và thực hành cách làm tử tế.
4.Học những gì mình yêu, yêu những gì mình làm
Hãy học những gì mình yêu để học thật giỏi, học hết mình với tất cả tâm trí và tình yêu. Tìm mọi cơ hội để được tiếp cận và thực hiện những điều mình yêu đó thật trọn vẹn. Yêu những việc mình làm và yêu những sản phẩm mình tạo ra, tình yêu và nỗ lực ta dành cho sản phẩm và công việc đó chính là giá trị khác biệt mà người khác, quốc gia khác không bắt trước được. Chính tình yêu này sẽ cho bạn sự tự tin và sự tự tôn không thể xâm phạm.
5. Mỗi người sinh ra đều đã được lựa chọn cho những vai trò phù hợp, hãy hết mình với vai trò đấy
Chúng ta không nên nhìn vào những người xung quanh để làm thước đo cho bản thân mình. Mỗi người sinh ra đã được giao sẵn những vai trò và phẩm chất phù hợp… Tìm kiếm con đường thành đạt, cần hướng vào bên trong, tìm thấy tiếng gọi từ trái tim mình. Bản chất, lựa chọn con đường nào để đi, tìm công việc nào để gắn bó cả đời, hãy xuất phát từ ý nguyện mình muốn làm điều gì cho ai, tạo ta sự đẹp đẽ nào cho thế giới này. Những người thành công, chính là người lựa chọn đúng sứ mệnh của mình để dốc tâm, dốc sức cho sứ mệnh ấy.
6. Tôi là giá trị tôi tạo ra cho cuộc đời này!!
Tôi là ai? Tôi không phải là xe hơi đắt tiền, bộ đồ phong cách trên người, quán cà phê độc đáo tôi check in…. Tôi thực ra là giá trị tôi mang đến cuộc đời này. Tôi là giá trị dành cho bản thân mình, gia đình mình, cơ quan tổ chức của mình, cộng đồng xã hội mình, tổ quốc mình…. Vậy thì nếu tôi chưa tạo ra giá trị cho ai, thì tôi vẫn chưa là ai cả… ngay cả khi tôi có nhiều tiền, tôi có chức quyền, tôi có nhiều của cải, tài sản, mối quan hệ. Muốn biết tôi là ai, nhìn vào giá trị tôi đang tạo ra. Muốn biết ai là ai, nhìn vào giá trị họ đang tạo ra.
7. Tự học, tự chủ, tự trọng, tự tin
Tự học không chỉ có nghĩa là hành động tự tìm sách đọc, tự tìm thầy, tìm thời khoá để theo…Nghĩa rộng hơn của tự học là luôn ý thức về sự cần thiết phải học với một tâm thế cởi mở, thừa nhận trung thực những hạn chế, yếu kém của bản thân…và tự tìm cách để tiến bộ mỗi ngày, cố gắng 1 lần thôi không đủ, phải cố gắng 10 lần, 100 lần… khi ấy mới có thể vượt thoát được những ảo tưởng, bao biện, niềm tin và hiểu biết sai lệch… về giới hạn của bản thân.
Có tự học sẽ tự chủ. Biết mình cần gì, đang ở đâu, làm việc gì và đích đến phải thế nào. Tự chủ mới có thể khai phóng hết được tiềm năng nội tại của bản thân, tự chủ mới thu hút và gây ảnh hưởng được với thế giới xung quanh, ngay cả những người mạnh bạo , vị thế và tài giỏi hơn mình.
Phải tự chủ mới có thể tự trọng. Tự trọng là tự mình tôn trọng mình, không cần phải để tâm đến việc có ai đang quan sát hay đánh giá mình không. Biết tự trọng là biết giữ mình tử tế và chỉ cần mình biết điều đó là đủ.
Có tự trọng rồi mới có tự tin. Tự tin có được là nhờ năng lực, hiểu biết, sự tử tế và tâm thái tự chủ, tự trọng.