Năm 1985, Edward De Bono đã xuất bản quyển sách “Six Thinking Hats” (6 chiếc mũ tư duy) đưa ra một phương pháp tư duy mới mẻ, dùng trong thảo luận và bàn bạc. Phương pháp này đã nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ khả năng tiết kiệm thời gian và đem lại hiệu quả rõ rệt cho người dùng.
Chiếc mũ màu trắng (Objective): Chiếc mũ màu trắng đại diện cho tư duy về mặt dữ liệu và thông tin. Người đội chiếc mũ màu trắng sẽ đưa ra các phát biểu dựa trên dữ liệu thực tế, khách quan, ví dụ như giá số doanh thu đạt được trong tháng vừa qua hay số ngày nghỉ phép của nhân viên. Khi này, người đội chiếc mũ màu trắng sẽ không đưa ra ý kiến, bình luận cá nhân nào.
Chiếc mũ màu đỏ (Emotions): Chiếc mũ màu đỏ đại diện cho tư duy về mặt cảm tính. Người đội chiếc mũ màu đỏ sẽ đưa ra các phát biểu dựa trên trực giác mà không cần nêu dẫn chứng cụ thể hay giải thích nào, chẳng hạn như “ngày mai trời sẽ mưa” hay “doanh số tháng sau sẽ tăng.”
Chiếc mũ màu đen (Sombre and Serious): Chiếc mũ màu đen đại diện cho lối tư duy cẩn trọng. Khi một đề xuất được đưa ra, người đội chiếc mũ màu đen sẽ nghiên cứu và đưa ra mức độ rủi ro, hạn chế cũng như điểm yếu có thể gặp phải của đề xuất.
Chiếc mũ màu vàng (Positive): Ngược lại với chiếc mũ màu đen, người đội chiếc mũ màu vàng đại diện cho lối tư duy tích cực. Họ thường là những người sẽ đem lại hi vọng, đưa ra các suy nghĩ lạc quan, có lợi cho công ty như “số lượng tiêu thụ trong tháng tới sẽ tăng” “đề xuất này nhất định sẽ thành công.”
Chiếc mũ màu xanh lá (Growth): Chiếc mũ màu xanh lá đại diện cho lối tư duy sáng tạo. Người đội chiếc mũ màu xanh lá sẽ vận dụng óc sáng tạo để đưa ra các phát minh, ý tưởng đề xuất mới.
Chiếc mũ màu xanh dương (Control): Chiếc mũ màu xanh dương là chiếc mũ quan trọng nhất, đại diện cho lối tư duy quản lý. Người đội chiếc mũ màu xanh sẽ tiếp nhận, phân tích các phát biểu được nêu và đưa ra quyết định cuối cùng. Ngoài ra, họ cũng là những người sẽ đảm bảo kỷ luật và tính thống nhất của tổ chức, công ty.
Theo mindtools.com