chuyên đề

Chiến lược thương hiệu

28/12/2024    admin   Thương hiệu
  • Thương hiệu là tài sản quan trọng của doanh nghiệp. Một thương hiệu mạnh là cần thiết để xây dựng kết nối với khách hàng. Thương hiệu mạnh biểu trưng cho sự cam kết của doanh nghiệp với hệ giá trị cốt lõi nhất quán, giúp các sản phẩm, dịch vụ và hình ảnh của doanh nghiệp nổi bật trong tâm trí khách hàng. Một chiến lược thương hiệu thành công có thể giúp cải thiện doanh số, gia tăng lợi nhuận, thúc đẩy sự gắn kết của khách hàng với thương hiệu và truyền cảm hứng để khách hàng trở thành đại sứ thương hiệu tích cực. 

  • 5 trụ cột của chiến lược thương hiệu bao gồm:

  • 1. Phân tích bối cảnh

  • Phân tích bối cảnh kinh doanh là một cuộc rà soát tổng thể các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, marketing và truyền thông thương hiệu của doanh nghiệp, bao gồm : (1) Nghiên cứu khách hàng, (2) So sánh cạnh tranh, (3) Phân tích thị trường, (4) Phân tích doanh nghiệp, để từ đó có thể thiết lập được ma trận SWOT, là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp đưa ra được các quyết định chiến lược về thương hiệu. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, mối đe dọa (SWOT) là một công cụ hữu ích để xác định khả năng doanh nghiệp tận dụng các cơ hội cho mục tiêu xây dựng thương hiệu.

  • Điểm mạnh thường bao gồm các nguồn lực và lợi thế cạnh tranh sẵn có như: Nhân sự chuyên môn, trình độ công nghệ, bằng sáng chế, tài chính, quan hệ đối tác, tài sản thương hiệu.
    Điểm yếu bao gồm các giới hạn về nguồn lực và hạn chế về tài sản thương hiệu khiến bạn khó thực thi các quyết định chiến lược về thương hiệu, chẳng hạn thiếu vốn, năng lực chuyên môn hạn chế, thương hiệu mới - nhận diện thương hiệu kém, tỷ lệ khách hàng trung thành thấp, hình ảnh thương hiệu tiêu cực…. 
    Cơ hội là các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài có thể hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, chẳng hạn như các xu hướng tiêu dùng và truyền thông, sự kiện đặc biệt, đổi mới về công cụ marketing và truyền thông, Trào lưu trên mạng xã hội…
    •Thách thức là những yếu tố bên ngoài mà công ty của bạn không thể kiểm soát được, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài sản thương hiệu hoặc làm hạn chế hiệu quả của các hoạt động truyền thông thương hiệu, ví dụ như: sự gia tăng cạnh tranh, sự thay đổi khó nắm bắt của khách hàng, những quan điểm bất lợi về thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ mà thương hiệu đang kinh doanh, những ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng truyền thông trong quá khứ….

  • Khi thực hiện phân tích SWOT, doanh nghiệp sẽ có cái nhìn toàn diện về điểm mạnh và điểm yếu dựa trên đánh giá nội bộ về doanh nghiệp, đồng thời nhận diện được các cơ hội và thách thức dựa trên những phân tích và đánh giá về môi trường bên ngoài. 

  • 2. Chiến lược thương hiệu 

  • Xác định mục đích thương hiệu là bước đầu tiên mà doanh nghiệp cần thực hiện ngay, qua đó thể hiện được tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị thương hiệu mong muốn theo đuổi. Để xác định mục đích của thương hiệu, doanh nghiệp cần trả lời câu hỏi “ Tại sao?”. Tại sao thương hiệu lựa chọn lĩnh vực  kinh doanh này? Thương hiệu cố gắng đáp ứng nhu cầu khách hàng hoặc lỗ hổng thị trường nào? Thương hiệu đang nhắm đến giải quyết vấn đề gì? Thương hiệu phải được xác định như một giải pháp tạo giá trị, thay vì chỉ giới hạn là các sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.
     
    Định vị thương hiệu là việc lựa chọn giá trị duy nhất mà thương hiệu muốn thể hiện và truyền đạt cho khách hàng mục tiêu của mình. Đây là kết quả của việc so sánh thương hiệu với những thương hiệu khác trong ngành. Xác định những điểm mạnh và đặc điểm khiến thương hiệu trở nên độc đáo có thể tạo dựng bản sắc riêng thương hiệu, cũng chính là lý do tại sao khách hàng yêu thích và lựa chọn thương hiệu.

  • 3. Thiết lập danh tính thương hiệu 

  • Danh tính thương hiệu thể hiện bản sắc thương hiệu thông qua các yếu tố thương hiêu trực quan như hình ảnh, màu sắc, biểu tượng, giai điệu… Nếu được tạo thành công, bản sắc thương hiệu của bạn sẽ đại diện các giá trị và sứ mệnh thương hiệu, giúp bạn phát triển hình ảnh thương hiệu dễ nhận biết có thể gắn kết sâu sắc với khách hàng
  • Thương hiệu có thể được xem như một con người. Tính cách thương hiệu đề cập các tính cách con người được gán cho thương hiệu. Tính cách thương hiệu định hình cách mọi người cảm nhận về sản phẩm, dịch vụ hoặc sứ mệnh của công ty, có thể khơi gợi các liên kết cảm xúc giữa thương hiệu với khách hàng. Khách hàng có nhiều khả năng mua một thương hiệu hơn nếu tính cách của thương hiệu đó giống với tính cách của họ. 
  • Đề xuất giá trị thương hiệu là một tuyên bố xác định những gì một công ty cung cấp cho khách hàng mục tiêu của mình để phân biệt chính nó với các đối thủ cạnh tranh. Một tuyên bố đề xuất giá trị rất quan trọng đối với một công ty vì nó xác định những gì công ty cung cấp cho khách hàng mục tiêu của mình, cũng chính là lý do chính khiến khách hàng quyết định lựa chọn thương hiệu, đồng thời giúp phân biệt công ty với các đối thủ cạnh tranh. 

  • 4. Truyền thông thương hiệu 

  • Hoạt động xây dựng thương hiệu bắt đầu với các công cụ Marketing quen thuộc như chiến lược sản phẩm, chính sách giá, kênh phân phối và truyền thông. Chiến lược sản phẩm có thể tạo ra giá trị hữu hình và vô hình của thương hiệu và chất lượng cảm nhận chính là là trọng tâm của tài sản thương hiệu. Chiến lược định giá dựa trên nhận thức của người tiêu dùng về giá trị giúp thương hiệu tối ưu giá bán và gia tăng giá trị thương hiệu. Chiến lược kênh phân phối cần được liên kết chặt chẽ với chiến lược thương hiệu để đảm bảo tính nhất quán về hình ảnh và giá trị thương hiệu. Trải nghiệm khách hàng chính là công cụ đòn bẩy giá trị thương hiệu quan trọng có thể được tối ưu thông qua tiếp thị cá nhân hóa, tiếp thị tương tác, tiếp thị đa giác quan…  Tiếp thị trải nghiệm quảng bá một sản phẩm bằng cách không chỉ truyền đạt các tính năng và lợi ích của sản phẩm, giúp tạo ra trải nghiệm mua hàng toàn diện mà còn kết nối thương hiệu với những trải nghiệm độc đáo và thú vị của người tiêu dùng.
  • Phát triển các chương trình truyền thông tiếp thị tích hợp để xây dựng tài sản thương hiệu. Thông qua các chiến dịch Truyền thông tiếp thị tích hợp, các doanh nghiệp có thể thông tin, thuyết phục và gợi nhớ người tiêu dùng— một cách trực tiếp hoặc gián tiếp—về thương hiệu. Truyền thông tiếp thị đại diện cho tiếng nói của thương hiệu và là phương tiện để thương hiệu có thể thiết lập đối thoại và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Thiết kế các chương trình truyền thông marketing là một công việc phức tạp, đòi hỏi thấu hiểu sâu sắc bối cảnh truyền thông đang thay đổi nhanh chóng và những thực tế mới trong truyền thông tiếp thị. Bốn loại truyền thông thương hiệu chính và quan trọng bao gồm: (1) quảng cáo và PR, (2) tiếp thị tương tác, (3) sự kiện và trải nghiệm, và (4) tiếp thị mạng xã hội. 

  • 5. Quản trị tài sản thương hiệu 

  • Một phần quan trọng của việc xây dựng thương hiệu là xây dựng tài sản thương hiệu cho doanh nghiệp. Tài sản thương hiệu là giá trị tạo nên thương hiệu nổi tiếng, đồng thời cũng là giá trị cộng thêm cho thương hiệu, bao gồm 5 yếu tố: chất lượng cảm nhận, bản sắc thương hiệu, nhận thức về thương hiệu, liên tưởng thương hiệu và lòng trung thành với thương hiệu.
  • Một thương hiệu mạnh có tài sản thương hiệu lớn có thể được hưởng sáu lợi ích quan trọng liên quan đến khách hàng sau đây: (1) Nhận thức về hiệu suất của sản phẩm hoặc dịch vụ tốt hơn ; (2) Lòng trung thành lớn hơn và ít bị tổn thương hơn trước các hành động tiếp thị cạnh tranh và khủng hoảng tiếp thị; (3) Lợi nhuận lớn hơn và phản ứng kém linh hoạt hơn đối với việc tăng giá và phản ứng linh hoạt đối với việc giảm giá; (4) Hợp tác và hỗ trợ thương mại nhiều hơn; (5) Tăng hiệu quả truyền thông tiếp thị; (6) Cơ hội nhượng quyền và mở rộng thương hiệu

CÁC BÀI VIẾT KHÁC CÙNG CHUYÊN ĐỀ

Xây dựng thương hiệu công nghệ cao (high-tech branding)
Xây dựng thương hiệu công nghệ cao (high-tech branding)
Các nhà tiếp thị hoạt động trong các thị trường chuyên sâu về công nghệ phải đối mặt với một số thách thức riêng. Dưới đây là 10 nguyên tắc mà các nhà quản lý của các công ty công nghệ cao có thể sử dụng để cải thiện chiến lược thương hiệu của công ty họ.
Mô hình tháp trung thành thương hiệu 𝗠𝗜𝗟𝗟𝗪𝗔𝗥𝗗 𝗕𝗥𝗢𝗪𝗡
Mô hình tháp trung thành thương hiệu 𝗠𝗜𝗟𝗟𝗪𝗔𝗥𝗗 𝗕𝗥𝗢𝗪𝗡
Kim tự tháp thương hiệu - Brand Dynamics Pyramid minh họa 5 giai đoạn chính mà khách hàng trải qua khi họ phát triển mối quan hệ với thương hiệu, bắt đầu bằng nhận thức cơ bản và kết thúc bằng sự trung thành hoàn toàn. Dưới đây là cụ thể 5 cấp độ lòng trung thành của khách hàng:
Brand purpose: Sứ mệnh thương hiệu
Brand purpose: Sứ mệnh thương hiệu
Sứ mệnh thương hiệu là lý do chính cho sự tồn tại của một thương hiệu. “Purpose driven brand” là thương hiệu được sinh ra với mục đích rõ ràng, mục đích đó chính là kim chỉ nam để định hướng các lựa chọn chiến lược giữ cho thương hiệu kiên định và son sắt với lý tưởng ban đầu. Sản phẩm có thể thay đổi, lời hứa thương hiệu có thể thay đổi, giá trị thương hiệu có thể thay đổi … nhưng sứ mệnh thương hiệu sẽ trường tồn.